Theo kế hoạch, vào năm 2023, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ đưa vào khai thác thương mại tuyến cáp quang biển quốc tế ADC. Đây là tuyến cáp có dung lượng băng thông lớn nhất Việt Nam, gấp 3 lần tuyến cáp lớn nhất hiện tại là APG (Asia Pacific Gateway). Đặc biệt, trạm cập bờ vào Việt Nam của tuyến cáp thuộc TP Quy Nhơn.
Tin vui từ tuyến cáp mới
Viettel công bố tuyến cáp quang biển quốc tế ADC (Asia Direct Cable) cập bờ tại TP Quy Nhơn vào ngày 19.4. Phần cáp ngầm của ADC dài 9.800 km, dung lượng đạt trên 140 Tbps, sửdụng công nghệ truyền dẫn hiện đại nhất hiện nay, giúp kết nối các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với tổng mức đầu tư ban đầu là 290 triệu USD.
ADC là tuyến cáp biển thứ 5 của Viettel, trên cơ sở hợp tác đầu tư, xây dựng với các tập đoàn viễn thông quốc tế lớn trên thế giới như: Singtel, China Telecom, SoftBank, China Unicom, NT, PLDT, TATA Communications. Viettel là nhà đầu tư Việt Nam góp vốn vào dự án xây dựng ADC và trạm cập bờ tại TP Quy Nhơn là trạm thứ ba Viettel sở hữu độc quyền.
Đoạn cáp ADC từ tuyến chính rẽ vào để cập bờ tại TP Quy Nhơn dài khoảng 400 km. Hiện đơn vị thi công đang khẩn trương thi công để đảm bảo đúng tiến độ. Trước đó, Nhà trạm cập bờ cáp quang biển quốc tế ADC đã được Viettel đầu tư xây dựng hoàn thiện tại Quy Nhơn.
Con tàu trôi nổi trên biển Quy Nhơn trong những ngày vừa qua.
Ông Đoàn Đại Phong, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp DN Viettel (Viettel Solutions), thành viên của Viettel, cho biết vùng biển Quy Nhơn thuộc vùng nước sâu, chưa từng ghi nhận thảm họa thiên nhiên (động đất, sóng thần), không có phần nào thuộc vùng chồng lấn, tranh chấp nên độ an toàn rất cao, đảm bảo thuận lợi cho các tuyến cáp biển quốc tế cập bờ. Vì thế, cùng với Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), Quy Nhơn được xem là cửa ngõ cáp biển quốc tế lớn nhất của Việt Nam.
Sau khi tuyến cáp cập bờ, Viettel sẽ chính thức đưa vào khai thác thương mại ADC trong năm 2023. Qua đó, Viettel khẳng định là đơn vị tiên phong xây dựng và phát triển hạ tầng số tại Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, đáp ứng được nhu cầu truyền tải dữ liệu tốc độ cao, ứng dụng các công nghệ 4.0 hiệu quả và đảm bảo an ninh thông tin liên lạc quốc gia”, ông Phong cho biết thêm.
“Việc đưa vào sử dụng tuyến cáp quang biển mới sẽ đảm bảo phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của cả hệ thống tốt hơn, trước tiên là cho người dùng trong tỉnh. Nhưng quan trọng hơn, ADC và SJC2 sẽ góp phần gia tăng tốc độ phát triển hạ tầng mạng trong bối cảnh tỉnh đang thúc đẩy các dự án phát triển công nghệ phần mềm, đô thị khoa học, chuyển đổi số… “
Chọn Tp Quy Nhơn là vị trí đặt đường cáp quang liên Quốc tế.
Trước đó, năm 2020, tuyến cáp quang biển SJC2 (South East Asia – Japan 2 Cable System) do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đầu tư đã cập bờ biển Quy Nhơn. Tuyến cáp có chiều dài 10.500 km với 11 điểm cập bờ tại Singapore, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số điểm tại Đài Loan, Nhật Bản; dung lượng đạt 144 Tbps, dự kiến đưa vào khai thác thương mại chính thức trong năm 2023. Như vậy, cùng với tuyến cáp SJC2, Quy Nhơn có 2 tuyến cáp quang biển quốc tế cập bờ.
Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT, đánh giá tuyến cáp quang biển quốc tế ADC là công trình an ninh đặc biệt quan trọng của quốc gia, đánh dấu một bước tiến mới trong việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin. Sở TT&TT sẽ tiếp tục đồng hành cùng Viettel và các DN, cơ quan chức năng, tăng cường công tác bảo vệ, đảm bảo an toàn cho tuyến cáp quang biển ADC.
“Nút giao thông” quan trọng trong không gian mạng
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, Internet và công cuộc chuyển đổi số, việc đảm bảo hạ tầng viễn thông phục vụ cho phát triển KT-XH đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng trên chặng đường phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung. Mục tiêu đó càng trở nên cấp thiết khi Bình Định đặt mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.