Bén duyên với nghiệp môi giới bất động sản vì vẻ hào nhoáng bên ngoài và nghe nói có thu nhập cao, Chủ tịch HĐQT DKRA Vietnam – ông Phạm Lâm đã trải nghiệm những thời điểm khó khăn nhất của nghề trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, cũng như động lực thôi thúc bản thân kiên định, không bỏ cuộc.
Từ nhỏ, khi còn ở quê, ông Phạm Lâm đã sớm làm quen với kinh doanh thông qua việc thu mua trái thanh long cùng cha mẹ, có lẽ đó là cơ duyên giúp ông hứng thú với môi trường kinh doanh. Sau khi học xong, ông Phạm Lâm bén duyên với nghề môi giới bất động sản lúc đang làm trong ngành quảng cáo.
“Khi đó, tôi thấy làm môi giới bất động sản được mặc đẹp, nhìn rất chuyên nghiệp, ngồi phòng máy lạnh và nghe nói có thu nhập cao. Với một thanh niên từ quê vào Sài Gòn như tôi thì công việc đó quá thú vị nếu so sánh với việc phải chạy khắp nơi để bán bảng hiệu quảng cáo, làm in ấn,… Cũng vì thế, ngay sau đó, tôi tìm hiểu và nộp đơn vào 2 công ty môi giới bất động sản lớn bậc nhất Sài Gòn lúc đó là Nhà đất Đô thị mới và Cotec Group nhưng đều không đậu”.
Công ty đầu tiên mà ông Phạm Lâm nộp đơn là Cotec Group. Sau buổi phỏng vấn, ông được trả lời: “Chờ công ty phản hồi!”. Chờ một tuần không thấy tin tức, ông quyết định đến công ty tìm hiểu thì mới biết lý do ông không được tuyển là vì chưa có kinh nghiệm làm bất động sản.
Hôm đó, ông Phạm Lâm trao đổi trực tiếp với đại diện Cotec Group: “Nếu em không đạt thì chị có thể thẳng thắn nói luôn cho em biết để em có kế hoạch khác, chị hẹn làm em tưởng thật, em chờ cả tuần nay”. Đại diện công ty này cũng hơi ngạc nhiên, nói với ông: “Chị chưa thấy ai như em, rớt rồi mà còn đến tận công ty hỏi”.
Cuối cùng, mặc dù ấn tượng với nhiệt huyết của ông Phạm Lâm nhưng Cotec Group vẫn từ chối vì họ không tuyển người chưa có kinh nghiệm. Công ty thứ hai mà ông Phạm Lâm nộp đơn là Nhà đất Đô thị mới, công ty này cũng từ chối với lý do tương tự.
Dù rất mong muốn được làm ở công ty môi giới bất động sản lớn, nhưng sau 2 lần phỏng vấn không đậu, ông Phạm Lâm quyết định nộp đơn vào một công ty có quy mô nhỏ hơn, mới đi vào hoạt động: Danh Khôi. Chỉ sau 10 phút phỏng vấn, ông nhận được đề nghị đi làm ngay vào hôm sau.
“Lúc đó, tôi khá bất ngờ khi nhận được kết quả đậu rất nhanh chóng. Dù vui, nhưng tôi không đi làm luôn mà hẹn 3 ngày sau mới đến làm việc. Từ thời điểm được nhận, chỉ 4 ngày sau đó, tôi bán được sản phẩm bất động sản đầu tiên”, Chủ tịch HĐQT DKRA Vietnam nhớ lại.
Sau 3 tháng, nhờ quan hệ trong công việc, ông Phạm Lâm nhận được lời mời từ vị phó chủ tịch một công ty bất động sản lớn, khiến ông phải suy tính. Cũng trong thời điểm đó, tình cờ, Công ty Danh Khôi tổ chức đi chơi Tết Dương lịch và ông Phạm Lâm có cơ hội nói chuyện với ông Lê Thống Nhất – Giám đốc (hiện là Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Danh Khôi).
“Hôm đó là lần đầu tiên tôi nói chuyện với anh Lê Thống Nhất. Nói chuyện với anh ấy xong, tôi quyết định tiếp tục ở lại Danh Khôi!”.
Ông Lê Thống Nhất đã nói gì với ông hôm đó?
Hôm đó, hai anh em chỉ nói chuyện về cuộc sống, không liên quan gì đến định hướng của công ty cả. Nhưng khi nói chuyện, tự nhiên tôi thấy mình cảm nhận được niềm tin vào anh ấy, hoàn toàn mang tính cá nhân.
Chứ lúc đó, Công ty Danh Khôi chỉ vỏn vẹn có 20 người thôi, nhưng sự tử tế toát lên từ người lãnh đạo công ty đã khiến tôi rất tin tưởng. Điều này giống như kiểu bạn gặp được ai đó làm mình thốt lên: “À, người này mình tin được!”.
Ngoài ra, còn một suy nghĩ nữa khiến tôi quyết định ở lại. Dù lúc đó, tôi cũng chỉ là nhân viên bình thường, nhưng tôi cũng muốn một lần tự đi trên đôi chân của mình. Nếu qua bên kia được giúp đỡ nhiều, có khi lại không thể hiện được năng lực của mình.
Còn trẻ nên suy nghĩ đơn giản lắm. Vì quyết tâm tự lực nên tôi nghĩ rằng: ở lại nếu thành công thì tốt, còn không thì cũng chẳng mất mát gì (cười).
Sau khi quyết định ở lại Danh Khôi, cơ hội thăng tiến đầu tiên đến với ông ra sao?
Sau khoảng 6 tháng, tôi trở thành “best seller”. Một hôm, tôi vào thẳng phòng làm việc của anh Nhất và đề nghị: “Anh, cho em lên làm quản lý đi!” (cười). Có vẻ lúc đó anh Nhất cũng hơi ngạc nhiên nhưng nói đại ý là: “Em về viết kế hoạch gửi anh!”. Tôi nói luôn: “Kế hoạch em đã làm xong rồi, giờ em gửi anh luôn”…
Tính tôi là vậy, nếu mình thực sự thích làm điều đó và thấy mình làm được là nói thẳng luôn, cũng là tự tạo cơ hội cho mình chứ không đợi. Vài tháng sau, tôi được bổ nhiệm làm trưởng nhóm.
Sau đó, công việc của tôi cũng khá thuận lợi, khi được thử sức ở nhiều vị trí khác nhau. Danh Khôi thời đó cũng trong giai đoạn khởi nghiệp nên tôi cũng học được nhiều thứ và làm việc rất hăng say, không có khái niệm thứ bảy hay chủ nhật.
Khoảng gần 4 năm, tôi được bổ nhiệm vị trí Giám đốc phát triển dự án ở Danh Khôi và trở thành lãnh đạo cấp cao trẻ nhất công ty. Năm 2011, công ty có kế hoạch mở rộng lĩnh vực hoạt động và tôi là người đầu tiên được chọn để đứng ra quản lý công ty con đầu tiên của Tập đoàn Danh Khôi – Công ty Danh Khôi Á Châu (tiền thân của DKRA Vietnam hiện nay).
Nhưng năm 2011 là thời điểm khủng hoảng của thị trường bất động sản. Ông nghĩ gì về cơ hội ra riêng đó?
Lúc chuẩn bị thành lập Công ty Danh Khôi Á Châu (tiền thân của DKRA Vietnam hiện nay), tôi có tham khảo ý kiến của một số người anh làm cùng ngành để nhờ tư vấn thì phần lớn đều nói: “Lúc này đang suy thoái kinh tế, rủi ro thế này mà đi mở công ty chả khác nào đi vào đường chết!”.
Từ những chia sẻ rất thẳng thắn của các anh, tôi càng rất quyết tâm làm. Tuổi trẻ mà, bảo chiến đấu là chiến đấu thôi.
Còn thực tế là khi quyết định trở thành người sáng lập DKRA Vietnam cùng với anh Nguyễn Văn Sáng (hiện là Phó Tổng Giám đốc DKRA Vietnam) là hơi liều (cười) do tôi rất muốn nắm lấy cơ hội, thử thách bản thân ở vai trò mới. Lúc đó, Tập đoàn Danh Khôi là công ty mẹ, chiếm 51% cổ phần.
Tới bây giờ, tôi vẫn rất biết ơn những anh chị em đã đồng hành cùng DKRA Vietnam trong những ngày đầu. Đó là hình ảnh mà mãi mãi tôi không thể nào quên. Tôi chưa phải là một người điều hành có kinh nghiệm, nên khi khởi nghiệp có rất nhiều vấn đề phát sinh, cũng làm khó cho nhiều anh chị em.
Tuy nhiên, khi khởi nghiệp, tinh thần mọi người đều rất tuyệt vời, không nề hà bất cứ công việc gì và sống rất tình cảm, sẵn lòng hỗ trợ nhau. Tôi cứ nghĩ, họ có nhiều lựa chọn khác, sao lại phải cùng mình xây dựng một công ty trong lúc thị trường bất động sản khó như vậy? Tôi vẫn nhớ rõ những ngày đầu đó và chắc sẽ không bao giờ quên.
Thời điểm năm 2011 – 2012, tôi thấy chạnh lòng khi thấy các công ty dịch vụ bất động sản nước ngoài như CBRE, Savills, Knight Frank… được tham gia vào các dự án lớn, quy mô, còn các công ty Việt Nam thì không. Tại sao mình ở trên đất nước của mình, hiểu người Việt Nam hơn, mà lại không làm được? Vì thế, tôi khao khát xây dựng được một công ty dịch vụ bất động sản cạnh tranh sòng phẳng được với họ.
Sau khi thành lập DKRA Vietnam ông có gặp khó khăn như các “tiền bối” từng cảnh báo hay không?
Lúc mới thành lập công ty với tâm lý nôn nóng, thể hiện khao khát và khi làm thì đúng như các anh đi trước trong ngành đã nói. Thị trường ngày càng xấu, hàng bán không được, công ty mới lại càng thêm khó. Vào lúc khó nhất, DKRA Vietnam nợ lương nhân viên, nợ tiền thuê nhà… cứ phải hẹn hết lần này đến lần khác.
Năm 2013, Tập đoàn Danh Khôi tái cơ cấu, quyết định rút vốn khỏi DKRA Vietnam để tập trung vào những mảng ưu tiên hơn. Còn tôi, nhiều lần đứng trước lựa chọn là làm tiếp hay giải thể vì quá mệt mỏi và khủng hoảng.
Sau khi thành lập DKRA Vietnam ông có gặp khó khăn như các “tiền bối” từng cảnh báo hay không?
Lúc mới thành lập công ty với tâm lý nôn nóng, thể hiện khao khát và khi làm thì đúng như các anh đi trước trong ngành đã nói. Thị trường ngày càng xấu, hàng bán không được, công ty mới lại càng thêm khó. Vào lúc khó nhất, DKRA Vietnam nợ lương nhân viên, nợ tiền thuê nhà… cứ phải hẹn hết lần này đến lần khác.
Năm 2013, Tập đoàn Danh Khôi tái cơ cấu, quyết định rút vốn khỏi DKRA Vietnam để tập trung vào những mảng ưu tiên hơn. Còn tôi, nhiều lần đứng trước lựa chọn là làm tiếp hay giải thể vì quá mệt mỏi và khủng hoảng.
Sau giải pháp tinh thần đó, ông thoát khỏi thực tại khó khăn ra sao?
Lúc đó, ngay cả văn phòng nhỏ đang làm việc ở đường Sư Vạn Hạnh (Quận 5), tôi cũng không đủ trả tiền thuê, phải tìm chỗ khác phù hợp hơn và đưa anh em về đó, quyết tâm làm tiếp. Nhưng giai đoạn nợ nần cao điểm, tôi tìm hết mọi nơi mới vay được 50 triệu đồng để trả lương cho nhân viên.
Hôm đó, tôi ngồi đợi 4 tiếng đồng hồ ở quán cà phê để chờ người bạn từ xa mang tiền tới. Cảm giác lúc đó là bế tắc và bất lực. Ai từng ngồi chờ người mang tiền tới cho vay để trả nợ lương cho nhân viên đã bị khất nhiều lần, mới hiểu nỗi khổ của tôi lúc đó ra sao.
Tôi cũng thấy mình rất may mắn khi còn được bạn bè cho mượn cả sổ đỏ nhà đất để vay tiền trong 3 tháng, giúp công ty xoay sở dòng tiền trong lúc khó khăn. Giai đoạn đó đúng là vừa vay được tiền là đi trả nợ bằng hết, đúng như là “gió vào nhà trống” vậy.
Giờ nhìn lại, tôi thấy đó là một may mắn lớn của mình khi người khác vẫn tin tưởng, thương mình khi mình gặp khó khăn.
Thời điểm tôi bớt khó khăn là lúc “trời thương”, giúp DKRA Vietnam bán thành công một dự án ở quận Bình Tân. Dự án có quy mô nhỏ thôi, nhưng là nhân tố giúp tôi được bán độc quyền một dự án lớn bên cạnh đó của chủ đầu tư BCCI – Nhất Lan 3.
Tôi còn nhớ, anh em trong công ty họp đến tận 4h sáng và triển khai kế hoạch bán hàng vào 7h sáng cùng ngày. Đó là cơ hội lớn mà anh em phải cố gắng nắm bắt và hết sức cẩn trọng. Bởi nếu đi sai là sẽ vất vả hơn vì năm 2013 thị trường vẫn còn khó khăn lắm.
Với dự án Nhất Lan 3, chúng tôi cùng BCCI tổ chức họp báo công bố việc hợp tác phân phối độc quyền. Đây là lần đầu tiên một sàn bất động sản như DKRA Vietnam làm truyền thông như vậy, vì trước đó chỉ có các tập đoàn lớn mới thực hiện việc này và cũng rất ít. Sau đó, Nhất Lan 3 mở bán các đợt đều thành công và đây được coi là dự án bước ngoặt, giúp DKRA Vietnam thoát khỏi khủng hoảng và có đà phát triển.
Sau bước ngoặt với dự án Nhất Lan 3, điều gì đã giúp cho DKRA Vietnam trở thành một sàn bất động sản có vị thế trên thị trường?
Sau thời điểm bán thành công dự án Nhất Lan 3, từ năm 2014 đến 2018 là giai đoạn “bứt tốc” của DKRA Vietnam. Ngoài việc tăng số lượng môi giới có chất lượng, tôi ấp ủ kế hoạch chuyên nghiệp hoá với chiến lược phát triển hệ sinh thái dịch vụ bất động sản cho DKRA Vietnam. Trong thời gian này, chúng tôi phát triển nhiều công ty con chuyên trách các mảng khác nhau trong chuỗi dịch vụ bất động sản toàn diện.
Khác với những công ty dịch vụ khác là chỉ tham gia bán hàng cho chủ đầu tư, DKRA Vietnam định hướng trở thành Nhà cung cấp giải pháp hiệu quả trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản đã phát triển hệ sinh thái dịch vụ bất động sản toàn diện bao gồm: Tư vấn, nghiên cứu thị trường; Tư vấn phát triển dự án; Tiếp thị – Phân phối bất động sản và Quản lý bất động sản… tham gia vào tất cả các khâu trong dự án của chủ đầu tư.
Chính hệ sinh thái này đã tạo giá trị khác biệt giúp DKRA Vietnam hợp tác được với nhiều đối tác là các chủ đầu tư lớn trên thị trường bất động sản, đồng thời chủ động tạo nguồn sản phẩm để phân phối độc quyền.
Khi tham gia phân phối độc quyền dự án cho chủ đầu tư, chúng tôi chủ động cung ứng được các dịch vụ trong hệ sinh thái của công ty. Đồng thời, chuyên môn hoá sâu với các công ty con có chức năng phân phối ở từng phân khúc. Điều này giúp công ty có lợi thế cạnh tranh hơn với các đối thủ khác trên thị trường: vừa cạnh tranh về quy mô, dịch vụ, vừa cạnh tranh về chất lượng chiều sâu với các yêu cầu khắt khe của các chủ đầu tư nói riêng, thị trường bất động sản nói chung.
Hiện tại, DKRA Vietnam đã có 7 công ty thành viên, 21 sàn giao dịch để phục vụ cho chiến lược này. Bên cạnh thị trường Tp.HCM, các dự án đã được mở rộng ra các tỉnh thành lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Phan Thiết, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hà Nội,…
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về chiến lược này?
Nghĩa là thay vì chỉ bán hàng thông thường như các công ty dịch vụ bất động sản khác, chúng tôi tạo ra hệ sinh thái, tham gia vào hành trình xuyên suốt của một dự án, từ lúc khách mua nhà đến lúc vào ở.
Trước khi xây dựng chiến lược này, chúng tôi đã nhìn thấy câu chuyện trên thị trường bất động sản hiện nay, đó là: Người mua gặp những vấn đề không hài lòng về chất lượng dự án, tiến độ công trình, khâu quản lý vận hành dự án.
Trên thị trường, có khá nhiều công ty dịch vụ bất động sản chỉ tham gia vài công đoạn trong dự án của chủ đầu tư rồi rút ra. Điều này không đảm bảo được yếu tố chất lượng, và uy tín của chủ đầu tư. Người chịu thiệt cuối cùng chính là những người mua nhà.
Theo đó, DKRA Vietnam không chọn cách làm đơn lẻ khi bán một dự án. Chúng tôi cùng với chủ đầu tư đi xuyên suốt hành trình dự án, tạo ra một sản phẩm bất động sản tốt ngay từ khâu ban đầu. Điều này sẽ giúp hạn chế được những rủi ro với người mua.
Như vậy, DKRA Vietnam sẽ ưu tiên việc bán độc quyền và không đơn thuần chỉ bán hàng thông thường cho chủ đầu tư?
Không hẳn như vậy. DKRA Vietnam không chỉ có hệ sinh thái dịch vụ toàn diện mà còn có nguồn lực môi giới chất lượng cao phục vụ cho hoạt động phân phối các dự án bất động sản bám sát hệ giá trị cốt lõi Cam kết – Hiệu quả – Chính trực. Vì vậy, chúng tôi có những tiêu chí chọn lọc dự án hợp tác phù hợp với định hướng chiến lược của công ty.
DKRA Vietnam ưu tiên chiến lược độc quyền hơn. Hiện, công ty hợp tác chiến lược với các chủ đầu tư có thương hiệu trên thị trường bất động sản như Nam Long Group, Hai Thành, SCC Group, Kiến Á, Phát Đạt… trong vai trò Tổng đại lý tiếp thị và phân phối, cũng như phân phối độc quyền.
Ông còn được biết đến vai trò là Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, là người “miệt mài” đấu tranh chuẩn hoá nghề môi giới bất động sản, phải có chứng chỉ hành nghề. Tại sao ông lại muốn làm điều đó, liên quan gì tới xuất thân của ông là một môi giới bất động sản không?
Một doanh nghiệp dịch vụ bất động sản phát triển bền vững thì môi giới phải có chứng chỉ hành nghề, đây là tiêu chuẩn bắt buộc ở các thị trường phát triển. Tôi luôn kỳ vọng thị trường bất động sản Việt Nam sẽ ngày càng phát triển minh bạch, chuẩn mực hơn khi có đội ngũ môi giới được cấp mã số hành nghề.
Luật hoá nghĩa là chuẩn hoá vai trò, trách nhiệm của nhà môi giới. Từ đó, xã hội xem đây là nghề chính quy, được thừa nhận, được tôn trọng. Dĩ nhiên, không có nghĩa ai được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản cũng là người hoạt động tốt.
Năm 2014, tôi sang Singapore, và nhận thấy quốc gia này quản lý môi giới bất động sản trên một ứng dụng. Khi nhập mã số hành nghề trên ứng dụng, bạn sẽ kiểm tra được môi giới này đang làm việc ở công ty nào. Với việc quản lý như vậy, một môi giới không thể cùng một lúc hoạt động nhiều công ty và kiểm tra được hành trình của môi giới trong suốt quá trình hành nghề. Điều này tạo sự tin cậy, minh bạch cho khách hàng khi gặp gỡ môi giới.
Lần đó, một bạn môi giới Singapore dẫn tôi đi xem nhà đất tại đây. Dù biết tôi là môi giới nhưng người này vẫn dẫn tôi đi xem bất động sản nhiệt tình từ sáng đến chiều. Thắc mắc tại sao thì tôi nhận được câu trả lời: “Tôi biết ông là môi giới nhưng tôi nghĩ nếu có khách ở Việt Nam mua nhà tại Singapore thì ông sẽ nghĩ đến tôi đầu tiên”.
Đây là một tư duy rất tuyệt vời. Đó mới là thị trường của sự phát triển ổn định, lành mạnh. Cũng từ đó, tôi luôn ấp ủ ý tưởng, phải chuẩn hoá nghề môi giới bất động sản một cách chuyên nghiệp bằng chứng chỉ hành nghề.
Tầm nhìn của DKRA Vietnam là trở thành Thương hiệu dịch vụ bất động sản được tin tưởng lựa chọn đầu tiên tại Việt Nam, DKRA Vietnam đang là đơn vị tiên phong đưa mã số chứng chỉ của môi giới vào các giao dịch. Cụ thể, mã số sẽ được thể hiện ngay trên danh thiếp của mỗi chuyên viên tư vấn.
Nghĩa là ông đang “đòi công bằng” cho nghề môi giới bất động sản hay khao khát điều gì lớn hơn?
Thực tế cho thấy, hiện nay có nhiều môi giới bất động sản nỗ lực để xây dựng thương hiệu, năng lực bản thân, và số lượng môi giới chiêu trò chỉ là nhóm nhỏ trên thị trường. Nhưng vì là điều xấu nên lan nhanh, lan rộng khiến nhiều người có cái nhìn “méo mó”, thiếu tích cực về nghề môi giới bất động sản nói chung.
Môi giới không nghiêm túc, chiêu trò chiếm tỉ trọng nhỏ. Tuy nhiên, nhóm không chú trọng phát triển năng lực bản thân, xem môi giới là nghề tạm bợ thì lại rất đông. Trong khi đó, lực lượng môi giới chính quy (có mã số hành nghề), chuyên nghiệp chỉ chiếm khoảng 30% trên tổng số các nhà môi giới tại Việt Nam. Tổng số lượng những nhà môi giới chuyên nghiệp ở Việt Nam vào khoảng 100.000 người.
Với số lượng lớn như vậy, việc nâng cao trình độ, chuẩn hóa những người môi giới chưa tập trung thực sự cho nghề này là vô cùng cần thiết. Có thể hiểu đơn giản, chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản cần thiết như bằng lái – “giấy thông hành” của các tài xế vậy. Lái xe đi trên đường mà không có bằng lái sẽ rất nguy hiểm.
Chính những người nhìn nhận môi giới bất động sản như nghề tạm bợ, không phải bỏ chất xám là lý do khiến họ không được tôn trọng. Thực tế, môi giới bất động sản đòi hỏi nhiều năng lực, chuyên môn, kiến thức và cả vấn đề đạo đức hành nghề. Nếu lực lượng môi giới chuyên nghiệp, có tâm chiếm đa số thì sẽ khó có chuyện sốt đất cục bộ tái diễn liên tục trên thị trường, hay ít xảy ra chuyện khách hàng bị lừa…
Vậy theo ông, cản trở lớn nhất trên còn đường chuyên nghiệp hóa nghề môi giới bất động sản hiện nay là gì?
Cản trở lớn nhất là người hành nghề môi giới bất động sản nhưng họ cũng chưa bao giờ chú trọng đến nghề nghiệp của mình.
Nhiều người nhân danh là môi giới bất động sản hay tôi sẽ trở thành môi giới bất động sản chuyên nghiệp nhưng lại không tự trang bị cho bản thân kiến thức, kỹ năng, thậm chí chứng chỉ hành nghề cũng chưa bao giờ được quan tâm.
Vấn đề căn bản vẫn ở chỗ, nhiều môi giới chưa ý thức một cách quyết liệt, chưa sẵn sàng, chưa thấy được giá trị bền vững của nghề mình theo đuổi. Tức khi hành nghề, họ chưa ý thức được nghề của mình như thế nào.
Vì thế, cần tuyên truyền, thúc đẩy nhiều hơn nữa để thực sự chuẩn hoá nghề môi giới bất động sản, từ đó phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh.
Xin cảm ơn ông!
QUY NHON LAND
Theo Trí thức trẻ